NGÀNH CƠ ĐIỆN TỬ
1. Nghề Cơ điện tử là gì ?
Cơ điện tử là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính. Đây là ngành trọng yếu và không thể thiếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Mục đích của ngành khoa học tổng hợp liên ngành Cơ điện tử là nhằm phát triển tối đa tư duy hệ thống trong thiết kế và phát triển sản phẩm để tạo ra những sản phẩm mới với những tính năng vượt trội. Robot chính là một sản phẩm tiêu biểu của Cơ điện tử.
Chương trình đào tạo Cơ điện tử là sự tích hợp liên ngành bao gồm: Công nghệ cơ khí (Đọc bản vẽ, gia công chi tiết trên máy tiện – phay CNC); Điện - Điện tử (Đọc bản vẽ, gia công lắp ráp mạch điện - điện tử); Kỹ thuật máy tính (Cài đặt và sử dụng được phần mềm tin học trên máy tính như Autocad, Solidworks, Mastercam, PLC Mitsubishi GX Developer, Step 7 MicroWin...); Tự động hóa quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Chương trình kỹ sư thực hành Cơ điện tử tại Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An (DAP) diễn ra trong vòng 2,5 – 4 năm tùy vào loại hình đào tạo. Sinh viên DAP sau khi tốt nghiệp ngành Cơ điện tử đã tích lũy được kiến thức, kỹ năng về thiết kế, sáng tạo các sản phẩm như máy móc, thiết bị, hệ thống, dây chuyền sản xuất tự động.
Thế mạnh của chương trình này đó là mang đến cho sinh viên kiến thức và trải nghiệm thực tế thông qua nhiều hoạt động xuyên suốt quá trình học nhờ mối liên kết chặt chẽ của nhà trường với các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp. Trọng tâm của chương trình là thực hành, với tỉ lệ thời gian thực hành so với lý thuyết là 70/30. Từ đó, đảm bảo chất lượng đầu ra của nhân sự, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động, giúp học viên tăng cường cơ hội nâng cao tay nghề, đảm bảo năng lực làm việc sẵn sàng sau khi tốt nghiệp. Sự gắn kết, đồng hành của nhà trường với doanh nghiệp còn góp phần thúc đẩy sự phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên.
Đội ngũ giảng viên có trình độ tay nghề và năng lực chuyên môn cao, được huấn luyện và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước . Đặc biệt , máy móc luôn được nhà trường cập nhật phù hợp với sự phát triển máy móc thiết bị xã hội. Nhà trường luôn luôn liên kết với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đồng An 1, Đồng An 2 , Sóng thần , Vsip 1, Vsip 2 thộc tỉnh Bình Dương , Đồng Nai , Tp Hồ Chí Minh để luôn đảm bảo về nơi thực tập và công việc ổn định cho sinh viên ra trường.
2. Mục tiêu đào tạo của nghề
Kiến thức
Trang bị các kiến thức về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ nhằm tránh gây những tổn thất cho con người và cho sản xuất, các biện pháp nhằm giảm cường độ lao động, tăng năng suất;
Vận dụng được kiến thức cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập nâng cao trình độ;
Hiểu được các phương pháp gia công cơ bản trên máy tiện CNC, máy phay CNC, máy tiện vạn năng, máy phay vạn năng…
Vận dụng được kiến thức nền tảng về điện, điện tử và tin học để giải quyết các bài toán về chuyên ngành cơ điện tử công nghiệp;
Phân tích được sơ đồ khối, chức năng và nguyên lý hoạt động của các thiết bị và hệ thống cơ điện tử, sản xuất tự hóa trong công nghiệp;
Có khả năng tổ chức và quản lí một phân xưởng độc lập;
Có trách nhiệm, thái độ ứng xử, giải quyết vấn đề nghiệp vụ hợp lí;
Kiến thức bổ trợ: đạt trình độ B1 (hoặc tương đương) về tiếng Anh hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương; Tin học đạt chứng chỉ Ứng dụng Công nghệ thông tin cơ bản.
Kỹ năng:
Phân tích, thiết kế lắp đặt thiết bị & hệ thống cơ điện tử, sản xuất tự động hóa trong công nghiệp;
Vận hành, bảo trì, sửa chữa các thiết bị và hệ thống cơ điện tử, dây chuyền sản xuất tự động hóa trong công nghiệp;
Thực hiện an toàn – vệ sinh trong môi trường làm việc công nghiệp;
Tổ chức, triển khai và thực hiện chuyển giao công nghệ;
Quản lý sản xuất, kinh doanh và lập dự án;
Giao tiếp và làm việc nhóm, làm việc độc lập.
Thái độ:
Có đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỉ luật lao động và tôn trọng nội qui nơi làm việc, nội quy cơ quan, doanh nghiệp, có tác phong công nghiệp;
Đảm bảo an toàn, vệ sinh cá nhân, vệ sinh công nghiệp và vệ sinh môi trường;
Có ý thức và trách nhiệm với bản thân, các đồng nghiệp với cộng đồng;
Có tinh thần học hỏi, cầu tiến, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp, không ngừng học tập trau rồi kiến thức nghề nghiệp;
Năng động, sáng tạo trong quá trình làm việc, linh hoạt áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất.
3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Cơ điện tử có khả năng thiết kế, sáng tạo các sản phẩm như: Máy móc, thiết bị, các hệ thống, dây chuyền sản xuất tự động; Có khả năng tiếp cận, khai thác, ứng dụng các sản phẩm cơ điện tử hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới và vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, kế thừa, phát triển trên cơ sở các sản phẩm đã có. Cụ thể, tốt nghiệp Cơ điện tử, bạn có thể đảm nhận các vị trí làm việc:
+ Kỹ sư thiết kế, vận hành hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị tự động, hệ thống sản xuất tự động;
+ Chuyên viên tư vấn công nghệ, thiết kế kỹ thuật, lập trình điều khiển, thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống tự động, bán tự động tại các công ty về cơ khí, điện, điện tử;
+ Thăng tiến lên vị trí quản lý, trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp liên quan đến cơ khí, điện - điện tử.
4. Cơ hội học tập nâng cao trình độ
+ Có khả năng học liên thông lên trình độ đại học.
+ Có khả năng tự học, nghiên cứu mở rộng kiến thức, nâng cao tay nghề.
5. Danh sách các tập đoàn đang liên kết
Công ty TNHH Bosch Việt Nam tại Đồng Nai
Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ CNC Tech Sài Gòn
Công ty Intel Viet Nam, chi nhánh TPHCM
Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ CNC Tech Bình Dương
Công ty TNHH Scancom VietNam
Công ty cổ phần kỹ thuật Vija Viet Nam